“Để từ từ…” vs. “Làm liền nè!”, ai sướng hơn?
1, 2, 3,…5, bạn có đánh rơi “kế hoạch” nào không?
Tập thể dục, ăn uống “healthy”, đóng dự án, trở thành nhân viên xuất sắc,… vậy mà mấy “mùa quýt” đã qua, còn bạn thì vẫn ngồi đây “héo úa”. Lắm lúc chiếc deadline trên bàn, nhưng vì hôm nay chill phết nên “thôi, để mai tính“. Cứ thế, danh sách việc cần làm và phải làm của bạn dẫu có dài cả trang, nhưng có được bao nhiêu kế hoạch trong số đó được thực hiện?
Nếu bạn thuộc team “Để từ từ…”
“Ôi, bộ phim/con game này hay quá! Báo cáo tới chiều mai mới nộp mà, để sáng mai làm 1 loáng là xong ấy mà! Giờ xem phim/chơi game đã!”
“Dự án trễ 1 tuần rồi, nhưng không sao, còn 2 tháng nữa mới đến hạn hợp đồng, để qua tuần/qua tháng đôn công việc lên chắc là kịp…”
Cứ như thế, bạn sẽ gia nhập team “Để từ từ …”, dần dần, bạn sẽ hình thành tâm lý trì hoãn các kế hoạch từ công việc cho đến cuộc sống đời thường như thăng chức, tăng lương, tiết kiệm, dựng vợ gả chồng, mua nhà,…
Dưới góc độ khoa học, trì hoãn là một phản ứng thuộc hệ thần kinh của con người nhằm giải quyết những tầng cảm xúc tiêu cực như bất an, tự ti, chán nản… khi đối diện với những điều không chắc chắn hoặc không hứng thú ở tương lai. Tim Urban – biên tập của trang web “Wait but Why” đã giải thích.
Theo đó, trong não của những người thuộc đội “Để từ từ” xuất hiện thêm con khỉ hài lòng tức thì khiến bạn luôn phải bối rối khi đưa ra quyết định. Tại sao phải cắm cúi làm việc trong khi còn một tuần nữa mới đến deadline? Tại sao phải tập thể dục trong khi bản thân còn khỏe? Tất cả những gì con khỉ này quan tâm là tận hưởng hết cỡ khoảnh khắc hiện tại và bỏ qua những bài học trong quá khứ hay mặc kệ hậu quả trong tương lai.
Tuy nhiên thực tế, ở một số nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học chỉ ra những người có thói quen trì hoãn thường có mức độ căng thẳng cao hơn nhiều so với mức độ hạnh phúc. Còn theo nhà giám sát hiệu suất tại Sydney, Kristen Hansen đánh giá, “sự trì hoãn có thể tạo ra một vòng lẩn quẩn khiến bạn không bao giờ thực sự hoàn thành được việc gì”.
Team “Làm liền nè!” thì sao?
Nếu gia nhập team “Làm liền nè!”, có thể ban đầu bạn sẽ gặp một chút khó khăn tại điểm bắt đầu. Nhưng trái lại với tâm lý lo lắng khi trì hoãn, chút khó khăn này sẽ mang đến một cảm giác tốt vì bạn đã phát hiện ra nó từ sớm và hoàn toàn có đủ thời gian để giải quyết chúng.
Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ gặp cảnh deadline “treo” trên đầu, thậm chí còn luôn mang tâm lý sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố ngoài ý muốn. “Chỉ số hài lòng” về bản thân nhờ vậy mà luôn “đu đỉnh”.
Vậy bạn sẽ đầu quân team nào?
Quan điểm của người thuộc team “Để từ từ…”, là họ sẽ có thêm thời gian cho não bộ nghỉ ngơi và suy nghĩ thấu đáo về các kế hoạch, mục tiêu cũng như kế hoạch dự phòng. Bên cạnh đó, họ cũng có thể theo đuổi những niềm vui ngắn hạn để “cưng chiều” bản thân trong phút chốc.
Tuy nhiên, cũng không ai ngoài họ hiểu rõ cảm giác “nơm nớp lo sợ” về deadline, hay cảm thấy giá trị bản thân bị giảm sút vì không đạt được mục tiêu đề ra, lâu dần dẫn đến tâm lý tiếc nuối và nghi ngờ thực lực. Họ cũng không có quyền lựa chọn những việc muốn làm, mà luôn phải chạy theo những việc phải làm, khiến cuộc sống trở nên nhàm chán và áp lực hơn.
Quan điểm của những người thuộc team “Làm liên nè!” chính là thời gian và những biến động cuộc sống thì không ưu ái một ai, càng không quan tâm tới nguyên nhân tại sao chúng ta lại trì hoãn. Đã có mục tiêu thì hãy hành động ngay để được “khỏe thân” trong dài hạn.
Team “Làm liền nè!” ơi, mình tới đây!
Nếu bạn muốn “unfriend” với tâm lý trì hoãn? Theo chuyên gia năng suất Cyril Peupion, bạn nên bắt đầu một ngày mới với công việc gây ra sự trì hoãn nhất, bởi đây là lúc bạn tràn đầy năng lượng nhất trong ngày. Với những mục tiêu dài hạn, bạn có thể chia nhỏ theo từng “cột mốc”, và có thể tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành.
Quan trọng hơn, bạn hãy quyết tâm chuyển những ngày mai thành hôm nay. Thay vì “kiếm cớ”, bạn nên bắt đầu hành động, kể cả đó là nhiệm vụ nhỏ nhất. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, và bạn đừng để từng ấy thời gian trôi qua một cách lãng phí bởi chính câu nói cửa miệng “để từ từ” hay “để mai tính” nhé!