Coi chừng bạn đang là một “xác sống” vật vờ trong công ty mà không biết

07-11-2023

Ai đã từng xem qua những bộ phim về zoombie “xác sống” chắc không lạ gì với hình ảnh những con người mặt mày xanh đen, lờ đờ vật vờ.

Xác sống chỉ có ở trên phim, nhưng ngoài đời hình tượng này được những người làm nhân sự dùng để mô tả những nhân viên không gắn kết, làm việc một cách cầm chừng, thiếu sức sống trong công ty.

Vậy nguyên nhân dẫn tới việc có xác mà không hồn khi làm việc là gì?

# Chán và ngán

Tình trạng chán và ngán kéo dài có thể khiến người nhân viên đánh mất nhiệt huyết trong công việc, ngọn lửa đam mê dần lụi tàn trong lòng.

Lý do của việc chán và ngán thì vô vàn:

  • Công việc không như ý muốn
  • Đồng nghiệp không sẵn lòng hợp tác, gây khó dễ
  • Sự khác biệt về tư tưởng, thế hệ giữa nhân viên và sếp

# Hoang mang về thu nhập, chính sách

Người nhân viên cảm thấy hoang mang về chính sách, thu nhập của công ty. Dù đã có trao đổi với bên quản lý nhân sự, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa thoả đáng.

Thường gặp ở những công ty nhỏ hoặc chưa có quy trình rõ ràng. Dẫn đến người nhân viên cảm giác họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, làm việc không suôn sẻ do các bộ phận hoạt động rời rạc thiếu gắn kết.

# Không phù hợp với văn hoá công ty

Họ gặp khó khăn trong việc kết nối với các thành viên khác trong công ty, họ cảm giác bản thân không hoà nhập được với văn hoá.

Từ đó họ thu hẹp vòng tròn giao tiếp, hạn chế bộc lộ quan điểm cá nhân trong các buổi trao đổi, cuộc họp trong team.

Sự lây lan của xác sống

Trên phim chúng ta thấy một xác sống có thể lây mầm bệnh cho người khác chỉ với một vết cắn.

Trong công ty, một nhân viên xác sống có thể lan cho những nhân viên khác bằng những hành động, lời nói tiêu cực:

  • Ê mày, biết quy định mới của công ty chưa? Không biết mấy ông sếp đang nghĩ gì, càng ngày thấy càng chán.
  • Tao từng làm việc nhiều nơi, chưa thấy ở đâu có ông sếp kỳ cục như vậy!

Ngăn chặn mầm bệnh xác sống

Mỗi nhân viên khi bước chân vào công ty luôn mang theo nhiều dự định, mong muốn. Không ai muốn biến mình trở thành cái xác không hồn, vật vờ trong công ty. Vì thế đừng vội xa lánh, đổ lỗi cho họ.

Bản thân người nhân viên có thể tự khỏi bệnh nếu đó là căn bệnh tạm thời.

Ví dụ người nhân viên có một số vấn đề gia đình, sức khoẻ khiến khoảng thời gian đó họ không tập trung hoàn toàn vào công việc. Hoặc họ có một chút mâu thuẫn với đồng nghiệp làm cho việc hợp tác giữa 2 bên bị trì trệ.

Sau khi họ giải quyết xong vấn đề, mọi việc sẽ lại bình thường.

Tuy nhiên, đó là những căn bệnh nhẹ, tạm thời, còn khi nhân viên đó mắc bệnh trong thời gian dài, nếu để họ tự xử lý, đôi khi sẽ khiến nó tệ hơn.

Lúc này, để ngăn chặn mầm mống căn bệnh rất cần sự quan tâm của bộ phận nhân sự và những người quản lý.

Bằng cách thường xuyên trò chuyện, lắng nghe để hiểu rõ những khúc mắc trong lòng nhân viên. Đưa ra một số hướng giải pháp giúp cải thiện điều kiện làm việc của họ, tăng cường lại lòng tin của họ đối với công ty.