Đang cảm thấy muốn điên lên, thì phải làm sao đây

25-09-2018

Nổi giận là một cảm xúc khi chúng ta gặp phải chuyện gì đó rất bực mình và vượt qua giới hạn chịu đựng của chúng ta.

Đồng nghiệp của tôi mô tả vui đó là cảm giác muốn điên lên, khi em ấy bất đồng quan điểm với sếp.

Cảm giác này không ai muốn có, nhưng nếu ở công ty mà rơi vào tình huống này làm sao để giảm bớt cơn điên?

Hãy cháy lên, cháy lên, đừng ngại ngùng (Đùa chút thôi!)

Trong bài viết này, tôi không có ý định khuyên nhủ bạn phải làm lơ cơn điên của mình, quên nó đi, hoặc cố gắng tỏ ra như không có gì. Bởi vì nếu không giải quyết gốc rễ của vấn đề, hôm nay bạn có cơn điên nhỏ, hôm sau bạn sẽ có cơn điên to hơn.

Điều tôi muốn nói ở đây chính là làm hạ nhiệt cơn tức giận, tránh để nó mang lại cảm xúc tiêu cực cho bạn và đồng nghiệp chứng kiến điều đó. Và sau khi bạn đã lấy lại được bình tĩnh, hãy tìm cách thoả thuận lại với những người có liên quan.

OK, bắt đầu nào

Cơn bùng cháy của bạn diễn ra là do lượng adrenaline trong bạn đang dâng cao. Lúc này bạn chỉ muốn lớn tiếng, đập bàn xô ghế để giải phóng lượng adrenaline dư thừa.

Tuy nhiên thay vì chọn những cách trên, còn nhiều cách khác để bạn trừ khử sự nóng giận.

# Chuyển sự chú ý sang việc khác: Khi cơ thể không còn chú ý đến tình huống xung đột, nó sẽ ngưng tiết adrenaline. Bạn có thể đứng dậy đi ra ngoài một lát, đi toilet rửa mặt, hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn tạm thời không nghĩ tới điều đó nữa. Nếu chẳng may không thể đi đâu được như trong phòng họp chẳng hạn, bạn có thể vẽ nguệch ngoạc lên một tờ giấy.

# Hít thở sâu: bạn nên hít thở sâu, điều đó giúp cơ thể của bạn thư giãn.

# Viết ra giấy, hoặc máy tính: thay vì xả giận trực tiếp lên người đó, bạn có thể viết ra giấy. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn nhiều đấy.

# Ngưng phán xét: một điều tệ hại là khi chúng ta đang nóng giận, chúng ta phán xét và biến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Hãy chỉ dừng lại ở việc nhận thức rằng bạn và đồng nghiệp đang bất đồng quan điểm về một vấn đề, thay vì nâng nó thêm một cấp nữa là đánh giá luôn tính cách cả một con người: “hắn ta chẳng biết cái quái gì mà nói như đúng rồi” .

Tiếp theo nên làm gì?

Sau khi lấy lại bình tĩnh bạn hãy thử tìm cách giải quyết vấn đề đó xem.

# Tìm đến một người có kinh nghiệm hơn để nhờ tư vấn. Xem lại liệu còn khía cạnh nào của vấn đề bạn chưa biết đến.

Tuy nhiên, trước khi mọi việc ngã ngũ, khi tìm một người để xin ý kiến, hãy lựa chọn một người trung lập, nếu không bạn sẽ vô tình kéo thêm một người đang nóng giận nhập cuộc, đổ thêm dầu vào lửa.

# Tập trung vào mục tiêu cuối cùng.

Dù gì đi chăng nữa thì vấn đề vẫn cần được giải quyết. Do đó hãy cố gắng theo sát mục tiêu, tìm kiếm giải pháp thay vì xác định xem ai có lỗi.

Khi trao đổi với “người ấy” bạn nên nghĩ tới mục tiêu, tránh nói lan man để rồi lại tiếp tục điên nữa.

KẾT

Một vài điều chia sẻ cùng bạn. Dù sẽ rất khó nhưng bạn có thể làm được. Phải không nào!