Minh là một nhân viên trong công ty. Trước đây Minh từng làm thực tập. Quá trình thực tập cũng không có gì khó khăn, mọi thứ Minh đều làm tốt và do đó khi ra trường Minh được công ty giữ lại làm nhân viên.
Sau nhiều thành quả trong công việc, Minh được sếp tin tưởng, giao cho chức vụ quản lý 1 team 6 người.
Minh giao nhiệm vụ, theo dõi các thành viên trong team. Đồng thời Minh sẽ làm việc với khách hàng khi có vấn đề liên quan.
Mọi thứ với Minh đều thuận lợi và đồng nghiệp nhìn vào với con mắt ngưỡng mộ.
Minh được nhiều người ngưỡng mộ, các cô gái độc thân trong công ty nhắm Minh làm đối tượng
Chuyện sẽ không có gì đáng nói và có thể kết thúc ở đây, nếu như không có một ngày tháng tư năm đó.
Minh được sếp gọi vào để họp chung với khách hàng.
Khách hàng là một ông khá đô. Ông ta đang có sẵn bức xúc trong người nên phủ đầu bằng những lời không tốt về dự án mà team Minh thực hiện.
Quá ngỡ ngàng, Minh chỉ có thể ngồi im và nghe ông ta chê trách.
Dù sếp đã xin lỗi và cam kết khắc phục hậu quả, nhưng khi ra về ông ta vẫn không quên nói thêm những lời chê bai công ty. Một vài thành viên trong team Minh đi ngang qua và nhìn thấy.
Sai lầm của Minh ở đây là đã quá ỷ y nên không lường trước rủi ro trong dự án của khách hàng. Tuy nhiên, Minh đã khiến sếp thất vọng. Nhiều người trong công ty bàn tán về chuyện của Minh.
———————————————————————————————————-
Trong cuộc đời đi làm của chúng ta sẽ không ít lần mắc sai lầm. Có sai lầm lớn, có sai lầm nhỏ.
Không gì thích thú hơn là tự phát hiện ra sai lầm, sửa ngay lập tức để không ai thấy và giữ hình tượng.
Thế nhưng, trường hợp đó rất ít và thông thường chúng ta sẽ bị sếp la mắng. Chẳng ai thích bị nghe la mắng. Đặc biệt nếu sếp là một người trực tính và nóng nảy.
Tuy nhiên, việc được sếp rèn giũa, chỉnh sửa từ những công việc nhỏ nhất như gửi mail, xử lý với khách hàng…. dù bằng hình thức góp ý hay la rầy, sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều.
Để khi bạn bước lên những vị trí cao hơn, quản lý nhân viên bên dưới, bạn hạn chế được những lỗi không đáng có. Tránh được việc phạm phải những sai lầm đáng tiếc có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của tập thể, đánh mất sự tôn trọng của cấp dưới và những người tin tưởng bạn.
Nếu mọi chuyện diễn ra quá dễ dàng và thuận lợi như của Minh, không mấy khi phạm sai lầm hoặc ít khi bị trách mắng, thì khó có thể rèn luyện được kỹ năng quản lý rủi ro và khả năng xử lý khi sự cố phát sinh.
Vì vậy khi chúng ta còn đang trong giai đoạn “được du di cho qua”, nếu có bị cấp trên la rầy, cũng đừng buồn rầu nhiều, vì đó là cơ hội để bạn sửa và không phạm sai lầm nữa.